Liệt kê 15 loại nhóm thuốc gây suy giảm nghiêm trọng tới chức năng thận:

Thận và thuốc làm suy giảm chức năng thận

1, Kháng sinh nhóm Aminosid  (Streptomycin, gentamycin..)

  • Thuốc gây tổn thương, hoại tử ống thận hoặc viêm thận kẽ có hồi phục

2, Kháng sinh nhóm Cephalosporin( chủ yếu thế hệ 1 như cephalexin, cefalothin,)

  • Thuốc chủ yếu không chuyển hóa trong cơ thể, thải trừ chủ yếu qua thận ở dạng còn hoạt tính nên gây độc với thận như viêm thận kẽ.

3, Kháng sinh chống nấm amphotericin B:

  • Tác dụng lên lipid của màng tế bào gây độc. Biểu hiện thường thấy là suy thận cấp, đái tháo nhạt, nhiễm toan do ống thận.

4, Các sulfamid kháng khuẩn

  • Các sulfamind kết tủa trong ống thận gây ra hiện tượng tắc ống thận, nhất là khi dùng liều cao và uống ít nước

5, Paracetamol:

  • Paracetamol gây suy thận cấp nhưng phải dùng liều khá cao (mỗi ngày dùng 15g) hoặc suy thận mạn với liều dùng tương đối cao, kéo dài, kèm thêm uống nhiều rượu.

6, Các thuốc giảm đau chống viêm phi steroid (NSAIDs)

  • Các thuốc thế hệ cũ: Chúng ức chế việc sản xuất prostaglandin E2 và I2 ( là những chất có vai trò duy trì dòng máu đến thận), làm giảm lưu lượng máu đến thận, giảm độ lọc cầu thận dẫn đến suy thận,dẫn đến ứ nước, tăng kali máu và viêm thận kẽ. Tuy nhiên tác dụng độc này chỉ gây ra khi dùng các thuốc kéo dài. Khi dừng thuốc, thận sẽ được phục hồi.

7, Thuốc lợi tiểu:

  • Thuốc lợi tiểu làm tăng bài tiết các chất trong máu trong đó có Kali và Natri. Khi các chất đó trong máu bị giảm khiến cơ thể rơi vào tình trạng mất cân bằng các chất điện giải, giảm thiểu tuần hoàn máu qua thận, nếu dùng kéo dài có thể gây suy thận.
  • Thuốc lợi tiểu phong bế carbonic anhydrase:( Acetazolamid, methazolamid): Thuốc gây sỏi thận do làm tăng phosphate niệu và tăng Ca++ niệu
  • Thuốc lợi tiểu quai: Là thuốc lợi tiểu mạnh với cơ chế làm giãn mạch thận, tăng lưu lượng máu qua thận, tăng độ lọc cầu thận, nhưng nếu dùng kéo dài làm thận hoạt động quá mức và suy giảm chức năng thận.

8, Các thuốc tác dụng trên hệ Renin- Angiotensin - Aldosteron

  • Nhóm ức chế men chuyển làm giãn mạch chọn lọc ở các mô quan trọng ( mạch vành, thận, não..) nên tái phân phối lưu lượng tuần hoàn tại các khu vực khác nhau, làm giảm cả tiền gánh và hậu gánh, lưu lượng máu đến thận giảm, vì vậy có thể gây suy thận cấp, hay gặp ở bệnh nhân hẹp động mạch một bên hoặc hai bên làm giảm sức lọc cầu thận

9, Một số thuốc gây hội chứng thận hư:

  • Một số thuốc như Dpenicilamin, Catopril, Trimethadion, các muối bismuth.
  • Khi dùng gây lắng đọng các phức hợp miễn dịch dẫn đến hội chứng thận hư nhưng không gây suy thận. Khi ngừng thuốc, cầu thận có thể trở lại trạng thái bình thường.

10, Các thuốc gây suy thận mạn:

  • Một số thuốc như: Thuốc điều trị tâm thần Litium carbonat, thuốc chống ung thư (Ciplatin) khi dùng liều cao, kéo dài gây tích lũy thuốc trong ống thận dẫn đến suy thận mạn

11, Nhóm kháng virus:

  • Các thuốc kháng virus (adefovir, cidofovir, tenofovir, foscarnet) làm bong tróc tế bào biểu mô từ mức nhẹ (khu trú ở ống lượn gần) đến nặng (gây hoại tử ống thận cấp, đòi hỏi phải lọc máu).
  • Mức độ độc của các thuốc này tùy thuộc vào liều dùng.

12, Các thuốc điều trị Gout:

  • Các thuốc allopurinol có tác dụng hòa tan các tinh thể urat lắng đọng, probenecid, sulphipyrazon có tác dụng tăng thải acid uric. Khi dùng liều cao acid uric thải ra nhiều hay khi dùng mà không uống đủ nước (đúng ra phải uống 2 lít/ngày) thì acid uric có nồng độ cao sẽ gây kết tính urat trong đường niệu.

13, Thuốc cản quang

  • Thuốc cản tia quang tia X có cơ chế gây suy thận cấp do chúng làm co động mạch thận và có độc tính trực tiếp lên nhu mô thận. Tuy vậy, trên thực tế biến chứng này ít khi xảy ra trừ trường hợp bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như bị suy thận từ trước, đái tháo đường, u tủy xương, thiếu nước, suy tim nặng, vàng da, tuổi cao, đang dùng thuốc chống viêm không steroid vì chúng cũng có khả năng gây co mạch máu thận.

14, Thuốc ciclosporin:

  • Là loại thuốc giảm miễn dịch có thể gây suy thận cấp qua cơ chế giảm lọc cầu thận.

15, Thuốc gây mê có fluor cũng có thể gây suy thận cấp vì fluor qua gan sẽ bị chuyển hóa thành những hợp chất độc đối với thận.

Bài viết liên quan

scrolltop
DMCADMCA.com Protection Status